Một số loại gạch không nung Gạch_không_nung

Gạch xi măng cốt liệu

Gạch không nung xi măng cốt liệu (Gạch xi măng cốt liệu) còn được gọi là gạch blốc (block) hoặc là Gạch bê tông (theo TCVN 6477:2016), được tạo thành từ xi măng và một trong các hoặc nhiều trong các cốt liệu sau đây: mạt đá, cát vàng, cát đen, xỉ nhiệt điện, phế thải công nghiệp, đất,... Loại gạch này được sản xuất và sử dụng nhiều nhất trong các loại gạch không nung (khoảng 85%). Trong các công trình thì loại gạch không nung này chiếm tỉ trọng lớn nhất. Loại gạch này thường có cường độ chịu lực tốt (trên 75 kg/cm²) (TCVN 6477:2016), tỉ trọng lớn (thường trên 1.900 kg/m³), khả năng chống thấm tốt, cách âm cách nhiệt nhưng những loại kết cấu lỗ thì có khối lượng thể tích nhỏ hơn (dưới 1.400 kg/m³).

Đây là loại gạch được khuyến khích sử dụng nhiều nhất và được ưu tiên phát triển mạnh nhất. Nó đáp ứng rất tốt các tiêu chí về kỹ thuật, kết cấu, môi trường, phương pháp thi công. Loại gạch này dễ sử dụng, dùng vữa thông thường.

Mặc dù gạch xi măng cốt liệu bị chê nặng song thực tế là nó vẫn khẳng định được giá trị của nó trong xây dựng nói chung. Trong một công trình cao tầng, việc sử dụng gạch xi măng cốt liệu là một tất yếu vì lý do tạo đối trọng, kết cấu vững chắc với cường độ cao. Ngoài ra gạch xi măng cốt liệu có thể đạt khối lượng thể tích từ 1.300 đến 1.800 kg/m³ nếu dùng kết cấu lỗ. Như vậy nó chẳng những không quá nặng như người ta tưởng mà còn khẳng định được độ bền, sự vững chãi cho công trình.

VD: Những công trình cần sản phẩm gạch có cường độ 75 kg/cm² với gạch đất nung phải dùng loại đặc tỷ trọng 1.800 kg/m³. Với gạch không nung xi măng cốt liệu chỉ cần dùng loại kết cấu lỗ rỗng tỷ trọng 1.400 kg/m³ cường độ có thể đạt trên 100 kg/cm².

Và đặc biệt giá thành của sản phẩm gạch không nung xi măng cốt liệu rất có ưu thế, hoàn toàn cạnh tranh sòng phẳng với gạch đất nung (mặc dù chính sách hạn chế gạch đất nung chưa hiệu quả tức thời).

Gạch bavanh

Gạch không nung ba vanh là loại gạch được tạo nên từ nguyên liệu chính là xỉ than đồng thời được nén cùng với một lượng vôi nhỏ hoặc xi măng để liên kết lại với nhau. Quy trình sản xuất gạch ba vanh hiện nay còn dừng ở mức khá thủ công. Người thợ làm gạch ba vanh sẽ tiến hành đóng gạch bằng tay thông qua một cái khuôn tạo hình sẵn hoặc cũng có thể được làm bằng máy nhưng với công suất rất nhỏ, lực rung ép thấp. Và đây cũng chính là lý do vì sao cường độ chịu lực của gạch ba vanh chỉ phù hợp với việc dùng để xây, sửa các công trình phụ.

Theo số liệu nghiên cứu về gạch ba vanh thì tỉ lệ xi măng trong nó chỉ chiếm 8% so với các nguyên vật liệu khác. Bởi thế một bức tường sử dụng gạch ba vanh chỉ có khả năng chịu lực rơi vào khoảng từ 30 đến 50 kg/m3.

Trên thực tế thì các loại gạch không nung như gạch ba vanh đã được sử dụng ở nước ta từ rất lâu nhưng do phương tiện sản xuất sơ sài nên nó chưa được phổ biến rộng rãi. Sử dụng gạch không nung nói chung và gạch không nung ba vanh nói riêng mang đến cho chủ đầu tư khá nhiều lợi ích như: giá thành thấp, thi công nhanh gọn. Không chỉ có vậy, do được cấu tạo từ những chất liệu tự nhiên không dùng hóa chất hay phụ gia độc hại nên sử dụng gạch không nung ba vanh cho các hạng mục công trình xây dựng còn góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ môi trường.

Bên cạnh những lợi ích nói trên thì gạch không nung ba vanh còn có khả năng cách âm, cách nhiệt và độ bằng phẳng khá tốt. Theo các chuyên gia xây dựng thì nếu bạn sử dụng gạch không nung ba vanh cho một hạng mục công trình nhất định sẽ tiết giảm được chừng từ 15 đến 20% chi phí cho toàn bộ hạng mục.

Gạch không nung tự nhiên

Từ các biến thể và sản phẩm phong hóa của đá bazan. Loại gạch này chủ yếu sử dụng ở các vùng có nguồn puzolan tự nhiên, hình thức sản xuất tự phát, mang tính chất địa phương, quy mô nhỏ,...

Gạch bê tông nhẹ

Gạch bê tông nhẹ có hai loại cơ bản là gạch bê tông nhẹ bọt và gạch bê tông nhẹ khí chưng áp.

  • Gạch bê tông nhẹ bọt: sản xuất bằng công nghệ tạo bọt, khí trong kết cấu nên tỷ trọng viên gạch giảm đi nhiều và nó trở thành đặc điểm ưu việt nhất của loại gạch này. Thành phành cơ bản: Xi măng, tro bay nhiệt điện, cát mịn, phụ gia tạo bọt hoặc khí, vôi,.... Sản phẩm đã được kiểm định chất lượng vượt TCXDVN: 2004 về cường độ chịu nén đối với tỷ trọng D800.
  • Gạch bê-tông khí chưng áp: (Tên tiếng Anh: Autoclaved Aerated Concrete, viết tắt: AAC) Được rất nhiều nước trên thế giới ứng dụng rộng rãi với rất nhiều ưu điểm như thân thiện với môi trường, siêu nhẹ, bền, tiết kiệm năng lượng hóa thạch do không phải nung đốt truyền thống, bảo ôn, chống cháy, cách âm, cách nhiệt, chống thấm rất tốt so với vật liệu đất sét nung. Nó còn được gọi là gạch bê-tông siêu nhẹ vì tỷ trọng chỉ bằng ½ hoặc thậm chí là chỉ bằng 1/3 so với gạch đất nung thông thường. Công trình xây dựng sẽ giảm tải, giảm chi phí xử lý nền móng và hệ thống kết cấu, góp phần giảm mức đầu tư xây dựng công trình từ 7- 10%, đẩy nhanh tiến độ thi công và hoàn thiện phần bao che của công trình lên 2 - 5 lần. Ngoài ra, khả năng cách âm và cách nhiệt của bê tông nhẹ rất cao, làm cho nhà ấm về mùa đông, mát về mùa hè, tiết kiệm điện năng sưởi hoặc điều hòa nhiệt độ... Kích thước thành phẩm lớn và chính xác (100mm x 200mm x 600mm) giúp rút ngắn thời gian thi công và kể cả thời gian hoàn thiện.
Với thành phần cấu tạo là vật liệu trơ và các chất vô cơ, gạch bê-tông siêu nhẹ này hoàn toàn không độc hại, có độ bền rất cao và không bắt lửa. Ngoài ra, với cấu trúc thông thoáng, nó còn có thể tự khuếch tán hơi nước, giải phóng độ ẩm và loại trừ các vấn đề liên quan đến nẩm mốc – đặc biệt là trong điều kiện thời tiết nắng nóng của khí hậu vùng nhiệt đới, vùng biển và vùng có độ ẩm cao như ở khu vực miền Bắc Việt Nam.